ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn

(Dân trí Việt nam) – Chuyển đổi xanh và áp dụng ESG đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cứ làm, cứ đi sẽ thấy đường

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM – cho biết, đại bộ phận doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực và điều kiện của doanh nghiệp có những giới hạn nhất định. Tuy vậy, việc thực hiện ESG, thực hiện chuyển đổi xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp đạt được phát triển bền vững.

Trước hết, ESG là đòi hỏi của thị trường. Doanh nghiệp nếu không thực hiện chuyển đổi xanh, không thực hiện ESG thì không bán được hàng, đặc biệt là vào các thị trường xuất khẩu. Tiêu chí xanh đã trở thành một hàng rào kỹ thuật mới buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải làm.

Ông Hòa nhấn mạnh, các lãnh đạo doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, quyết tâm và kiên trì để thực hiện chương trình ESG cho mục tiêu phát triển bền vững, bởi không có ESG thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại được. Doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ rằng, đây là xu thế bắt buộc phải làm, nếu không làm thì không thể tồn tại và phát triển được.

ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn - 1
Chuyên gia Phạm Việt Anh khuyên các doanh nghiệp “cứ làm”, “cứ đi sẽ thấy đường” (Ảnh: Nam Anh).

Theo TS. Phạm Việt Anh – cố vấn bền vững ESG-S, trong bối cảnh hiện tại, việc doanh nghiệp đồng ý hay phản đối không quan trọng, ESG sẽ cuốn các doanh nghiệp đi vì đó là xu hướng chung, được dẫn dắt bởi những quốc gia lớn mạnh và những thị trường lớn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, các doanh nghiệp khi tham gia ESG cần “liệu cơm gắp mắm”, “sức đến đâu làm đến đó”, “sức đến đâu nói đến đó” chứ không nên nói quá về năng lực để rồi tự mình tạo ra nguy cơ bị quy kết gian dối. Khi nói quá về thành tích, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với khủng hoảng: Một là khủng hoảng về truyền thông, hai là khủng hoảng về thực thi.

Trong phát triển bền vững, về lý thuyết, doanh nghiệp sẽ thực thi 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là bền vững yếu, tiếp theo là quá độ bền vững, cuối cùng mới là bền vững.

Ông Việt Anh khuyên các doanh nghiệp “cứ làm”, “cứ đi sẽ thấy đường”, bắt đầu bằng sự tuân thủ, tuân thủ pháp luật, đạo đức, môi trường, sau đó là đầu tư hệ thống quản lý chất lượng bền vững, tiêu chuẩn ISO được thống nhất toàn cầu, cuối cùng mới là vượt qua cả sự tuân thủ. Theo ông, ESG hay khái niệm khác là khuôn khổ. Khuôn khổ không bắt buộc nhưng tiêu chuẩn được thừa nhận rộng khắp trên thế giới.

Yêu cầu bắt buộc để hội nhập quốc tế

Ông Surajit Rakshit – Giám đốc toàn quốc Khối giải pháp thương mại toàn cầu của HSBC Việt Nam – cho hay, áp lực từ các bên như nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cơ quan quản lý khiến việc các doanh nghiệp thực thi thông lệ bền vững ngày nhiều hơn. Nhiều công ty đưa ra cam kết cân bằng phát thải như một phần chính sách môi trường cũng như ESG nói chung.

Theo nghiên cứu của PwC, ở Việt Nam, 40% doanh nghiệp trong nước đã có kế hoạch và đề ra cam kết ESG. Trong một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV, thực hiện, 48,7% doanh nghiệp đánh giá rằng, giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết.

Phát thải phạm vi 3, sản sinh ra từ các bên cung ứng của doanh nghiệp, chính là bài toán nan giải nhất với nhiều công ty cam kết giảm dấu chân carbon của họ. Mặc dù vậy, theo ông Surajit Rakshit, nỗ lực của họ cũng rất đáng khích lệ.

Nghiên cứu của E&Y cho thấy, 78% doanh nghiệp đang phát triển các chương trình và sáng kiến xoay quanh chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác quan trọng. Trong khảo sát “Tương lai của thương mại” của Tập đoàn DMCC, hầu hết người tham gia kỳ vọng doanh nghiệp ngưng hợp tác với những bên có kết quả ESG yếu kém.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *